Rối loạn stress sau sang chấn tâm lý (PTSD)
Các rối loạn stress sau sang chấn gặp ở khoảng 1 – 6% người lớn trên toàn thế giới, nếu so sánh với tâm thần phân liệt (khoảng 1%) thì PTSD phổ biến hơn. Tuy nhiên thực tế tỷ lệ bệnh nhân đến gặp bác sĩ vì rối loạn stress sau sang chấn rất ít, có thể các triệu chứng của PTSD không rõ ràng như tâm thần phân liệt, có thể những cá nhân mắc PTSD rất không muốn chia sẻ câu chuyện của mình cho người khác. Tuy nhiên việc âm thầm chịu đựng đó gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực đến cảm xúc, hành vi, công việc, học tập và các mối quan hệ.
Trên thực tế, tôi đã gặp những bệnh nhân chịu đựng PTSD từ nhỏ đến lớn, và chỉ đến khám khi bệnh nhân có bạn trai, và thấy vô cùng khó khăn trong duy trì mối quan hệ với bạn trai. Khi khai thác bệnh sử tôi thấy rằng nguồn gốc là bệnh nhân đó đã chịu sang chấn về sự xâm hại tình dục từ khi còn nhỏ.
Cá nhân bị PTSD thường có suy nghĩ tiêu cực rằng không ai có thể giúp được mình cả, tuy nhiên việc nói ra, tìm kiếm sự trợ giúp và điều trị sớm là cần thiết để xóa bỏ triệu chứng, cải thiện chất lượng sống, làm việc và quan hệ xã hội.
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
Tổng quan
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là một tình trạng của sức khỏe tâm thần gây ra bởi một sự kiện khủng khiếp – hoặc là cá nhân trực tiếp trải qua, hoặc là chứng kiến sự việc xảy ra. Các triệu chứng bao gồm có các mảng hồi tưởng, ác mộng và lo âu trầm trọng, cũng như không thể kiểm soát được những suy nghĩ về sự kiện.
Hầu hết những người trải qua các sang chấn tâm lý có thể có một giai đoạn thấy khó thích ứng và đương đầu, tuy nhiên trải qua thời gian và sự tự chăm sóc tốt, họ sẽ thấy tốt hơn. Nếu như những triệu chứng nặng lên, kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, và gây ảnh hưởng đến những hoạt động hàng ngày, có thể người đó đã mắc PTSD.
Điều trị đúng đắn PTSD có thể làm giảm rõ rệt triệu chứng và cải thiện được chức năng của bệnh nhân.
Triệu chứng
Triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn có thể khởi phát trong vòng một tháng kể từ khi sự kiện gây sang chấn xảy ra, nhưng cũng có thể khởi phát muộn hơn thậm chí là sau nhiều năm mới xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng này gây ra những vấn đề rõ rệt trong xã hội, công việc, các mối quan hệ. Họ có thể cũng ảnh hưởng đến những hoạt động hàng ngày của cá nhân.
Các triệu chứng của PTSD thường chia thành 4 nhóm: Ký ức không thể xóa bỏ, tránh né, những thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ và cảm xúc, thay đổi trong đáp ứng thể chất và cảm xúc. Các triệu chứng có thể thay đổi khác nhau giữa những người khác nhau.
· Ký ức không thể xóa bỏ
Các triệu chứng của ký ức không thể xóa bỏ bao gồm
– Những ký ức về sự kiện gây sang chấn có thể tái diễn, gây khó chịu cho cá nhân
– Cá nhân cảm thấy như mình đang trải nghiệm lại thời điểm sang chấn
– Có những giấc mơ khó chịu, ác mộng về sự kiện sang chấn
– Cá nhân có phản ứng cảm xúc và cơ thể một cách nặng nề, khó chịu trước những sự việc nào đó mà gợi lại sang chấn
· Tránh né
Các triệu chứng tránh né bao gồm
– Cố gắng tránh nghĩ về, nói về sự kiện sang chấn
– Tránh những địa điểm, hoạt động, những người mà có thể gợi lại sang chấn
· Thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ và cảm xúc
Các triệu chứng của thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ và cảm xúc bao gồm
– Suy nghĩ tiêu cực về bản thân, con người và thế giới
– Vô vọng về tương lai
– Có vấn đề về trí nhớ, bao gồm không nhớ lại được những khía cạnh quan trọng của sang chấn
– Khó khăn trong việc duy trì những mối quan hệ thân mật
– Cảm giác tách biệt với gia đình, bạn bè
– Thiếu sự thích thú với các hoạt động mà đã từng thích
– Khó khăn cảm thấy những cảm xúc tích cực
– Cảm xúc lạnh nhạt
· Thay đổi trong đáp ứng cảm xúc và thể chất
Các triệu chứng của thay đổi đáp ứng cảm xúc và thể chất (còn gọi là các triệu chứng kích thích) bao gồm
– Dễ hoảng hốt sợ hãi
– Luôn luôn đề phòng nguy hiểm
– Có những hành vi tự gây nguy hiểm, như uống rượu quá nhiều, lái xe quá nhanh
– Có vấn đề với giấc ngủ
– Khó tập trung
– Bực bội, cáu gắt, hoặc hành vi kích động
– Thấy tội lỗi, xấu hổ quá mức
Đối với trẻ dưới 6 tuổi, các triệu chứng có thể gồm
– Diễn lại những sự kiện hoặc khía cạnh nào đó của sự kiện sang chấn thông qua nhập vai đóng kịch
– Có những giấc mơ gây sợ hãi, giấc mơ có thể chứa hoặc không chứa những khía cạnh của sang chấn
Mức độ của triệu chứng
Các triệu chứng của PTSD có thể thay đổi về mức độ theo thời gian. Bệnh nhân có thể có nhiều triệu chứng hơn khi căng thẳng trong cuộc sống, hoặc khi có những sự việc nào đó gợi lại sang chấn. Ví dụ, như nghe tiếng động cơ ô tô cũng làm trải nghiệm lại những ký ức đã trải qua. Hoặc đọc một tin trên báo về lạm dụng tình dục làm cho mình thấy mất kiềm chế về những kí ức bị lạm dụng tình dục của chính bản thân mình.
Khi nào cần đến khám bác sĩ
Nếu bạn có những suy nghĩ, cảm xúc khó chịu về sang chấn kéo dài hơn một tháng, nếu thấy nhưng cảm xúc đó rất tồi tệ, hoặc làm cho bạn không thể kiểm soát được cuộc sống như bình thường nữa, bạn cần đến bác sĩ hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Điều trị sớm nhất có thể sẽ giúp các triệu chứng của PTSD không nặng thêm.
Leave a comment