Trầm cảm liên quan tới thời kỳ sinh đẻ
Đối với hầu hết phụ nữ, việc có một em bé là một điều rất háo hức, hạnh phúc và đồng thời cũng là một khoảng thời gian nhiều lo toan. Nhưng đối với những phụ nữ mắc trầm cảm liên quan tới thời kỳ sinh đẻ, điều này trở nên rất căng thẳng và khó khăn. Trầm cảm liên quan tới thời ký sinh đẻ (peripartum depression) chỉ những trầm cảm xảy ra trong quá trình mang thai và sau khi sinh.
Trầm cảm liên quan tới sinh đẻ là một bệnh lý nặng, nhưng có thể điều trị được, biểu hiện bằng cảm xúc cực kỳ buồn chán, thờ ơ, và/hoặc lo âu, đồng thời là sự thay đổi về năng lượng, giấc ngủ, ăn uống. Rối loạn này mang tới nhiều nguy cơ cho mẹ và bé.
Ước tính cứ 7 phụ nữ sinh đẻ thì có 1 người mắc trầm cảm liên quan tới sinh đẻ
Thời kỳ mang thai và thời kỳ sau sinh là giai đoạn dễ tổn thương đối với người phụ nữ. Người phụ nữ trong giai đoạn này xảy ra nhiều những biến đổi về sinh học, cảm xúc, các vấn đề tài chính, các thay đổi trong quan hệ xã hội. Một số phụ nữ có thể tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm và lo âu.
Có tới hơn 70% những bà mẹ mới sinh con trải qua giai đoạn buồn chán sau sinh (baby blues), đây là một giai đoạn buồn chán ngắn và không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, không đòi hỏi phải chăm sóc y tế. Triệu chứng của giai đoạn này thường là khóc không có lý do, dễ cáu gắt, cảm thấy không thể thư giãn, lo âu. Các triệu chứng này kéo dài khoảng 1 – 2 tuần và thường tự hết và không cần điều trị gì.
Trầm cảm liên quan tới sinh đẻ khác so với giai đoạn baby blues ở chỗ cảm xúc và thể lực của bà mẹ bị cạn kiệt, có thể kéo dài tới nhiều tháng. Trường hợp này cần phải được điều trị để giúp cho cả mẹ và trẻ.
Nếu không điều trị, trầm cảm liên quan tới sinh đẻ sẽ gây những vấn đề cho sức khoẻ của mẹ, chất lượng cuộc sống của mẹ cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của bé như các vấn đề sinh non, thiếu cân. Trầm cảm liên quan tới sinh đẻ cũng gây những vấn đề cho con như các rối loạn trong ăn uống, giấc ngủ. Về lâu dài, đứa trẻ mà có mẹ mắc trầm cảm liên quan tới sinh nở có nguy cơ cao gặp các vấn đề trong phát triển nhận thức, cảm xúc, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội.
Các triệu chứng của trầm cảm liên quan tới sinh đẻ:
– Cảm xúc buồn bã chán nản
– Mất hứng thú, sự hài lòng đối với các hoạt động trước đây vẫn thích thú
– Thay đổi sự thèm ăn
– Gặp vấn đề với giấc ngủ hoặc ngủ quá nhiều
– Mất năng lượng, thường xuyên mệt mỏi
– Tăng các hoạt động không mục đích (không ngồi yên được, thường xuyên nhấp nhổm, chân tay không yên, hoặc cử động chậm chạp, nói chậm chạp), những triệu chứng này phải đủ nặng đến mức người khác có thể thấy được
– Cảm thấy không xứng đáng, tội lỗi
– Khó khăn trong suy nghĩ, tập trung và ra quyết định
– Suy nghĩ đến cái chết, tự sát
– Khóc không có lý do
– Cảm thấy không có thích thú với em bé, không gắn bó với em bé, cảm thấy lo âu về em bé
– Cảm thấy mình là người mẹ tồi
– Sợ sẽ làm hại con mình
Phụ nữ trải qua trầm cảm liên quan tới sinh nở thường có vài triệu chứng kể trên và các triệu chứng có thể thay đổi hoặc ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Các triệu chứng trên làm cho người mẹ cảm thấy cô lập, tội lỗi, xấu hổ. Để chẩn đoán trầm cảm liên quan tới sinh đẻ, các triệu chứng phải bắt đầu trong quá trình mang thai hoặc trong vòng 4 tuần sau khi sinh.
Nhiều phụ nữ trầm cảm liên quan sinh đẻ cũng có những triệu chứng của lo âu. Một nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 2/3 phụ nữ trầm cảm liên quan tới sinh đẻ cũng có rối loạn lo âu.
Không có một trắc nghiệm nào đặc hiệu cho trầm cảm liên quan tới sinh đẻ, mọi phụ nữ mang thai hoặc mới sinh mà có các triệu chứng trên đều nên cần tìm đến sự trợ giúp của y tế, có thể là bác sĩ nội khoa, bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Các bác sĩ sẽ đánh giá loại trừ các nguyên nhân nội khoa gây ra các triệu chứng tương tự (ví dụ bệnh lý tuyến giáp, thiếu vitamin…)
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu:
– Có những triệu chứng kể trên kéo dài hơn 2 tuần
– Có suy nghĩ tự sát hoặc tự làm hại bản thân
– Cảm xúc của bạn càng ngày càng tồi tệ
– Gặp khó khăn trong các hoạt đông hàng ngày hoặc chăm sóc em bé
Ths Bs Đàm Văn Đức
Zalo 0943493235
Đăng ký khám: https://mentalcare.vn/contact/
Leave a comment