Đây là nhóm thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất, nhóm này bao gồm các thuốc như fluoxetine, paroxetine, sertraline, fluvoxamine, citalopram và escitalopram. Cơ chế tác dụng của thuốc là ngăn chặn một cách chọn lọc sự tái hấp thu của 5HT bằng cách ức chế hoạt động của kênh Na+/K+ ATPase ở chất vận chuyển serotonin (SERT) của neuron trước synap. Thuốc cũng đồng thời ức chế sự tái hấp thu serotonin ở các thân đuôi gai ở thân tế bào thần kinh. Khi sử dụng SSRI, SERT bị khóa do đó làm tăng nồng độ serotonin, tuy nhiên ở giai đoạn sớm, lượng serotonin tăng ở vùng synap không nhiều mà chủ yếu tăng ở vùng đuôi gai nằm tại nhân raphe trung não. Tại vùng này, receptor chủ yếu là loại tự thụ thể 5HT1A, điều này giải thích tại sao tác dụng phụ thường xuất hiện sớm ngay khi dùng thuốc, còn tác dụng điều trị thường xuất hiện sau. Qua thời gian, sự tăng hoạt động của serotonin trên receptor 5HT1A gây ra một điều hòa thuận chiều (thông qua quá trình biểu hiện gen), làm cho các receptor 5HT1A bị giải mẫn cảm (bị trơ), do đó serotonin không còn khả năng tự kìm hãm quá trình phóng thích của chính nó nữa, lúc này neuron serotonin đã được thoát ức chế, làm giải phóng lượng lớn serotonin vào khe synap ở tận cùng sợi trục và làm tăng sự dẫn truyền thần kinh, từ đó serotonin lan tràn vào các con đường khác nhau trong não gây ra các tác dụng khác nhau của SSRI. Đồng thời với quá trình này, các receptor của serotonin ở phía sau synap cũng bị giải mẫn cảm, quá trình này giải thích sự dung nạp dần với các tác dụng phụ sau một thời gian dùng thuốc. Tuy nhiên, mỗi SSRI sẽ có những cơ chế độc đáo riêng, điều đó tạo ra các tác dụng điều trị khác nhau cho từng SSRI.
Tác dụng đối kháng 5HT2C có ở một số chống trầm cảm khác như Mirtazapine và Agomelatine, một số chống loạn thần như Quetiapin, Olanzapin, Asenapin, Clozapin. Việc đối kháng 5HT2C làm phóng thích cả NE và DA. Đối kháng 5HT2C có tác dụng kích hoạt, do đó ở nhiều bệnh nhân, ngay cả khi sử dụng những liều đầu tiên, đã cảm thấy có năng lượng hơn, đỡ mệt mỏi, tăng sự tập trung, chú ý. Vì cơ chế này nên Fluoxetin phù hợp cho những bệnh nhân trầm cảm có các triệu chứng tiêu cực, ngủ nhiều, chậm chạp, vô cảm, mệt mỏi. Ở một số nước, Fluoxetin được kết hợp với Olanzapin trong điều trị trầm cảm đơn cực kháng trị và trầm cảm lưỡng cực bởi vì Olanzapin cũng có tác dụng đối kháng 5HT2C. Tác dụng này cũng được sử dụng trong những bệnh nhân ăn vô độ, Fluoxetin là chống trầm cảm duy nhất được sử dụng ở bệnh nhân ăn vô độ. Ngược lại, tác dụng đối kháng 5HT2C không phù hợp khi sử dụng ở những bệnh nhân bồn chồn, mất ngủ, lo âu, và thậm chí có thể gây ra cơn hoảng sợ.
Một tác dụng độc đáo khác của Fluoxetin là ức chế tái hấp thu yếu NE, chỉ gây tác dụng lâm sàng nếu dùng liều cao. Fluoxetin có thời gian bán hủy dài (2-3 ngày), dạng hoạt động có thể dài đến 2 tuần. Do đó có ưu điểm là ít gây ra hội chứng cai thuốc khi ngưng đột ngột, nhưng cũng có nghĩa là cần phải chờ lâu hơn để thuốc thải ra khỏi cơ thể trước khi chuyển qua thuốc khác chẳng hạn MAOI
Tác dụng ức chế DAT làm cho Sertralin có tác dụng kích hoạt ở những bệnh nhân trầm cảm không điển hình, do đó sertralin làm cải thiện các triệu chứng ngủ nhiều, thiếu năng lượng, thiếu đáp ứng cảm xúc. Trên lâm sàng, Sertralin thường được ưa thích kết hợp với Bupropion (Wellbutrin với Zoloft thành Welloft) do cùng ức chế DAT. Do tác dụng kích hoạt như vậy nên trên lâm sàng cũng hay gặp hiện tượng xuất hiện cơn hoảng sợ khi khởi đầu dùng Sertralin, do đó cần phải khởi đầu bằng liều thấp.
Tác động gắn với Sigma1 chưa được hiểu rõ, nhưng có thể liên quan tới tác dụng giải lo âu, và tốt hơn các SSRI khác trên những trường hợp trầm cảm có loạn thần.
Đây là một chống trầm cảm được ưa thích bởi nhiều bác sĩ lâm sàng cho bệnh nhân lo âu. Thuốc có tác dụng an dịu, thậm chí gây buồn ngủ khi bắt đầu sử dụng, khác với tác dụng kích hoạt của fluoxetin và sertralin. Paroxetin có tác dụng ức chế NET nhẹ, do đó cải thiện được trầm cảm, đặc biệt ở liều cao. Paroxetin ức chế sự tổng hợp của enzym Nitric Oxide (NO) do đó gây ra các tác dụng phụ về tình dục đặc biệt ở nam giới. Paroxetin cũng có những triệu chứng cai thuốc nhiều hơn so với các thuốc khác nếu ngưng đột ngột như bồn chồn, không yên, triệu chứng tiêu hóa, chóng mặt, tê bì, nguyên nhân là do tác dụng ngược của hiện tượng kháng cholinergic
Tác dụng gắn Sigma1 Receptor cũng giống sertralin, nhưng mạnh hơn so với sertralin. Do đó có tác dụng trong lo âu và trong các trường hợp trầm cảm loạn thần.
Đây là SSRI có hai đồng phân R và S. Nếu trộn lẫn hai đồng phân này gọi chung là Citalopram có tác dụng kháng Histaminergic nhẹ do đồng phân R. Đây là SSRI dung nạp khá tốt, được ưa thích dùng trong trầm cảm ở người già, tuy nhiên ở liều thấp tác dụng thường không ổn định và cần phải tăng liều để tối ưu hóa điều trị. Tuy nhiên việc tăng liều cần thận trọng vì liên quan tới kéo dài thời gian QTc trên điện tim. Đồng phân R của Citalopram có tác động lên SERT nhưng làm giảm tác dụng ức chế SERT của đồng phân S, từ đó làm giảm serotonin ở synap, làm giảm tác dụng điều trị của thuốc, đặc biệt là ở liều thấp
Giải pháp loại bỏ đồng phân R của Citalopram tạo ra Escitalopram, là SSRI chỉ chứa đồng phân S, do đó loại bỏ được tác dụng kháng Histaminergic, giảm nguy cơ kéo dài QTc khi dùng liều cao, và tăng hiệu quả điều trị hơn ngay cả ở liều thấp. Do vậy Escitalopram là SSRI mà có thuần túy chỉ tác dụng chặn SERT, là SSRI dung nạp tốt nhất, ít tương tác nhất trong CYP.
Leave a comment