• cskh@mentalcare.vn
  • 0886510790

Dược lý các chống loạn thần cụ thể (P3)

Nhóm two pips and a rip (Aripiprazole, Brexpiprazole, Cariprazine)

Aripiprazole

Thuốc này đồng vận một phần D2, đây là điểm khác biệt cơ bản so với các thuốc đối kháng serotonin – dopamin. Bởi tác dụng đồng vận một phần D2 nên thuốc làm giảm tác dụng ngoại tháp và ít gây tăng prolactin, mặc dù không qua cơ chế là ái lực với 5HT2A mạnh hơn so với D2 như các chống loạn thần khác. Ngoài ra thuốc còn đồng vận một phần 5HT1A mạnh hơn so với đối kháng 5HT2A, nhưng yếu hơn D2.

Aripiprazole có hiệu quả trong điều trị tâm thần phân liệt và hưng cảm, và cũng được cho phép trong các nhóm trẻ em vị thành niên, bao gồm tâm thần phân liệt (trên 13 tuổi), hưng cảm cấp, hỗn hợp (trên 10 tuổi), kích động cáu gắt trong tự kỷ (6 – 17 tuổi). Aripiprazole không có các cơ chế như kháng M1-Muscarinic cholinergic hoặc kháng H1-Histaminic nên không gây an dịu. Điều đặc biệt của aripiprazole, cũng như ziprasidone và lurasidone là thuốc ít gây tăng cân, mặc dù hiện tượng tăng cân không kèm rối loạn lipid xảy ra ở một số bệnh nhân đặc biệt là trẻ em và vị thành niên. Và có ít liên quan với việc rối loạn chuyển hóa lipid, hay tăng triglyceride hoặc kháng insuline. Vậy nên, đối với những bệnh nhân có tăng cân và rối loạn chuyển hóa lipid do dùng các chống loạn thần khác, khi chuyển qua aripiprazole có thể làm giảm cân và giảm triglyceride. Vì sao aripiprazole có ít nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa còn chưa rõ ràng, nhưng có thể giải thích rằng aripiprazole gắn với các receptor điều chỉnh sự kháng insuline và tăng triglyceride.

Aripirazole được chấp thuận sử dụng là một chống trầm cảm dùng kèm với các SSRI/SNRI để điều trị trầm cảm kháng trị, và cũng có thể dùng trong trầm cảm lưỡng cực.

Cơ chế chống trầm cảm của aripiprazole có thể đến từ tác dụng đồng vận một phần 5HT1A, đối kháng 5HT7 khi dùng liều thấp. Đồng vận một phần D2 và D3 có thể gợi ý rằng aripiprazole đồng vận nhiều hơn là đối kháng dopamine khi dùng liều thấp, làm tăng giải phóng dopamine và từ đó có thể có hiệu quả trong trầm cảm.

Một số chuyên gia cho rằng thuốc có tác dụng đồng vận quá mức và đối kháng không đủ, và do đó thuốc chỉ có hiệu quả khi có nhiều tác dụng đối kháng hơn, chú ý rằng aripiprazole có tác dụng giống đồng vận dopamine, như làm kích hoạt ở một số bệnh nhân, gây ra bồn chồn kích thích nhẹ thay vì an dịu và chống loạn thần, cũng có thể gây buồn nôn và nôn. Đồng thời, liều cao aripiprazole dường như không tạo được đầy đủ tác dụng chống loạn thần ở những bệnh nhân khó trị, ở một số ca loạn thần, khi liều cao quá một mốc nào đó thì không tạo được hiệu quả cao hơn mà thậm chí còn ít hiệu quả hơn liều thấp.

Mặt khác, một vài chuyên gia tin rằng aripiprazole có tác dụng đối kháng quá mức bởi chúng có tác dụng giống đối kháng như gây trạng thái bồn chồn bất an ở bệnh nhân và hiện tượng này giảm khi giảm liều hoặc khi kết hợp thêm các thuốc kháng cholinergic hoặc benzodiazepine.

Brexpiprazole

Brexiprazole có cấu trúc hóa học liên quan với aripiprazole, Brexpiprazole có đối kháng D2 mạnh hơn aripiprazole, ngoài ra brexpiprazole đối kháng 5HT2A, đồng vận một phần 5HT1A, đối kháng alpha1 và cả đồng vận một phần D2 hơn aripiprazole, điều này tạo ra tính không điển hình, làm giảm ngoại tháp cho dù có đối kháng D2 mạnh hơn aripiprazole. Brexpiprazole có tác dụng chống loạn thần, chống hưng cảm như aripiprazole nhưng khả năng dung nạp tốt hơn. Đồng vận một phần 5HT1A và đối kháng 5HT7 cũng gợi ý tới các tác dụng chống trầm cảm. Cuối cùng, Brexpiprazole là một ứng viên tiềm năng điều trị trạng thái kích động và loạn thần ở sa sút trí tuệ nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn.

Cariprazine

Cariprazine là một chất đồng vận một phần D2 đang ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng điều trị tâm thần phân liệt, hưng cảm lưỡng cực, trầm cảm lưỡng cực, trầm cảm kháng trị. Cariprazine đồng thời cũng đối kháng D2 mạnh hơn aripiprazole, về mặt lý thuyết, Cariprazine được sử dụng liều cao đối với hưng cảm và tâm thần phân liệt, và ở liều thấp đối với trầm cảm. Liều, hiệu quả, tác dụng phụ vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, tuy nhiên thuốc ít gây tăng cân và các vấn đề về chuyển hóa, dạng chuyển hóa tác dụng kéo dài có nhiều hứa hẹn cho sử dụng đường uống hàng tuần, 2 tuần, hoặc thậm chí hàng tháng.

Cariprazine gây ít tác dụng phụ ngoại tháp trên các thử nghiệm lâm sàng, có lẽ do đồng vận một phần 5HT1A và đối kháng 5HT2A ít. Ở liều cao hơn, cariprazine có tiềm năng ức chế 5HT7, 5HT2C và theo lý thuyết có thể có tác dụng chống trầm cảm. Ở liều rất thấp, cariprazine có ưu thế trên D3 nhiều hơn D2, vừa đồng vận một phần, vừa đối kháng. Vai trò của D3 còn chưa rõ nhưng liên quan đến nhận thức, cảm xúc, tâm trạng, tưởng thưởng/lạm dụng chất

Nhóm khác (Sulpiride, Amisulpiride, Sertidole, Perospirone)

Sulpiride

Sulpiride là một hợp chất mới hơn có liên quan đến amisulpiride (một thuốc được phát triển là một chống loạn thần cổ điển). Mặc dù có thể gây tác dụng phụ ngoại tháp và tăng prolactin ở liều chống loạn thần, thuốc có thể kích hoạt, làm cải thiện triệu chứng âm tính của tâm thần phân liệt, cải thiện triệu chứng của trầm cảm khi dùng ở liều thấp, bởi khi đó chúng tác động lên D3, khi dùng ở liều cao tác động kháng D2 mạnh hơn, tức là tác dụng chống loạn thần.

Amisulpride

Cũng giống như Sulpiride, Amisulpride được phát triển ở Châu Âu và một số nơi khác với mục đích ban đầu là đồng vận một phần Dopamine. Amisulpride không có ái lực đáng kể với 5HT2A, 5HT1A đủ giải thích về hiện tượng ít tác dụng ngoại tháp, hoặc các tác dụng quan sát thấy trên lâm sàng như cải thiện triệu chứng âm tính của tâm thần phân liệt, cải thiện trầm cảm đặc biệt ở liều thấp, nhưng thuốc có tác dụng đối kháng 5HT7. Amisulpride có thể gây tăng cân, rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường, gây QTc kéo dài tùy theo liều, có thể gây tăng prolactin.

Sertindole

Là một loại chống loạn thần không điển hình đối kháng 5HT2A và D2, trước đây được chấp thuận dùng ở châu Âu sau đó rút lại vì các tác dụng phụ tim mạch trong đó có QTc kéo dài, và sau đó lại được chấp thuận ở một số nước khác với vai trò là lựa chọn thứ hai. Thuốc có thể có ích ở những bệnh nhân không đáp ứng với các chống loạn thần khác và cần được theo dõi tim mạch nghiêm ngặt.

Perospirone

Là một thuốc chống loạn thần không điển hình đối kháng 5HT2A và D2 được sử dụng ở Nhật Bản, đồng thời cũng đồng vận một phần 5HT1A. Thuốc có thể gây tăng cân, rối loạn chuyển hóa lipid, kháng insuline, tiểu đường. Thuốc được dùng ba lần/ngày, chủ yếu cho tâm thần phân liệt hơn là hưng cảm.

Leave a comment

Liên hệ với chúng tôi
Gọi cho chúng tôi