Tự sát là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 10 ở Hoa Kỳ và là nguyên nhân tử vong thứ hai (sau tai nạn) đối với những người từ 10 đến 34 tuổi, tự sát là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Năm 2019 tại Hoa Kỳ, hơn 47.000 người chết do tự sát và tỷ lệ tự sát tăng hàng năm kể từ năm 2006. Ước tính có khoảng 1,3 triệu người trưởng thành toan tự sát mỗi năm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Hơn 1/5 số người chết do tự sát đã biểu hiện ý tưởng tự sát.
Tự sát ở nam giới có khả năng gây tử vong gấp ba lần phụ nữ. Dùng súng là phương pháp tự sát phổ biến nhất (trong khoảng một nửa số vụ tự sát).
Tuy nhiên, tự sát có thể ngăn chặn được. Biết các yếu tố nguy cơ và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo tự sát có thể giúp ngăn ngừa tự sát.
Các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu cảnh báo và yếu tố bảo vệ
Tự sát có liên quan đến các rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm và rối loạn sử dụng rượu, và yếu tố nguy cơ tự sát cao nhất là đã từng có một lần cố gắng tự sát trước đó.
Yếu tố nguy cơ là những yếu tố khiến một cá nhân có nhiều khả năng sẽ có ý định, toan tự sát hoặc tử vong do tự sát.
Các dấu hiệu cảnh báo là các dấu hiệu chỉ điểm tự sát sắp xảy ra.
Các yếu tố bảo vệ là những yếu tố làm cho giảm ý định, toan tự sát hoặc tử vong tự sát.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự sát
Các sự kiện và hoàn cảnh nhất định có thể làm tăng nguy cơ tự sát (Yếu tố đầu tiên là là nguy cơ cao nhất).
– Có nỗ lực tự sát trước đó
– Tiền sử tự sát trong gia đình
– Lạm dụng chất
– Các rối loạn cảm xúc (trầm cảm, rối loạn lưỡng cực)
– Dễ tiếp cận các phương tiện gây chết người (ví dụ: giữ súng trong nhà)
– Sự mất mát và các biến cố khác (ví dụ: mối quan hệ tan vỡ, mất người thân, thất bại trong học tập, khó khăn pháp lý, khó khăn tài chính, bắt nạt)
– Tiền sử sang chấn tâm lý hoặc bị lạm dụng
– Bệnh mãn tính về thể chất, bao gồm cả đau mãn tính
– Chứng kiến hành vi tự sát của người khác
– Trong một số trường hợp, một tác nhân gây stress hoặc một sang chấn đột ngột, thất bại hoặc có thể khiến mọi người cảm thấy tuyệt vọng, không thấy lối thoát và trở thành “giọt nước tràn ly” để tự tử.
Một báo cáo gần đây của CDC nhấn mạnh sự phức tạp của tự sát. Tình trạng sức khỏe tâm thần có thể là một yếu tố quan trọng trong nhiều trường hợp tự sát. Một số yếu tố được coi là yếu tố hàng đầu dẫn đến tự tử như vấn đề trong các mối quan hệ, tiếp theo là khủng hoảng trong hai tuần gần đây hoặc sắp tới và việc sử dụng chất.
CDC báo cáo rằng khoảng một nửa, 54 phần trăm, những người chết do tự sát không có chẩn đoán rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ có thể đã phải đối mặt với một rối loạn tâm thần nào đó mà không được chẩn đoán và những người xung quanh không biết.
Dấu hiệu cảnh báo về tự sát
– Thường nói hoặc viết về cái chết hoặc tự tử
– Nói về sự vô vọng, bất lực hoặc vô giá trị của bản thân
– Không tìm được lý do để sống tiếp; không có ý thức về mục đích sống; nói những điều như “nếu tôi không sống nữa thì sẽ tốt hơn”
– Sử dụng rượu tăng lên và / hoặc lạm dụng ma túy
– Xa lánh khỏi bạn bè, gia đình và cộng đồng
– Hành vi liều lĩnh, không suy nghĩ
– Thay đổi tâm trạng rõ rệt
– Nói về cảm giác bế tắc hoặc trở thành gánh nặng cho người khác
Các yếu tố bảo vệ
– Liên hệ với các chuyên viên (ví dụ: cuộc gọi điện thoại theo dõi từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe)
– Được chăm sóc sức khỏe tinh thần hiệu quả; dễ dàng tiếp cận với các can thiệp lâm sàng
– Kết nối tốt với các cá nhân, gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội
– Có kỹ năng giải quyết vấn đề và giải quyết xung đột
– Đối với bệnh tâm thần, một trong những rào cản lớn nhất để ngăn chặn tự tử là sự kỳ thị, khiến nhiều người không thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
Báo cáo của CDC khuyến nghị cách tiếp cận toàn diện về sức khỏe cộng đồng để ngăn ngừa tự sát như các biện pháp dạy các kỹ năng đối phó và giải quyết vấn đề, tăng cường các hỗ trợ kịp thời cho những người cần và giúp những người có yếu tố nguy cơ được chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất một cách hiệu quả và đồng bộ.
Bạn có thể làm gì
Nếu thấy ai đó đang có ý định tự sát, hãy lắng nghe và xem xét suy nghĩ của họ một cách nghiêm túc. Đừng ngại đặt câu hỏi về kế hoạch của họ. Hãy cho họ biết bạn quan tâm họ, và họ không đơn độc. Khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức từ một chuyên gia. Đừng bỏ mặc họ.
Năm lời khuyên từ CDC cho những gì bạn có thể làm nếu bạn lo lắng về nguy cơ tự sát của một người thân:
– Hỏi người đó về ý định tự sát của họ. (Mặc dù mọi người có thể do dự khi hỏi, nhưng nghiên cứu cho thấy điều này rất hữu ích)
– Giữ an toàn. Giảm khả năng tiếp cận các phương tiện gây chết người cho những người có nguy cơ.
– Hãy ở bên họ. Lắng nghe những gì họ cần.
– Giúp họ kết nối với những nơi có thể cung cấp sự hỗ trợ.
– Giữ liên lạc với họ. Theo dõi để biết tình trạng của họ như thế nào
Leave a comment